Khu xử lý rác thải thị trấn Quỳ Hợp và các xã phụ cận huyện Quỳ Hợp do UBND huyện Quỳ Hợp làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án đầu tư xây dựng ngày 8/4/2010 với tổng diện tích hơn 6,6ha.
Bãi rác được xây dựng gồm 3 giếng tại hạ lưu và 1 giếng tại thượng lưu khu xử lý chất thải.
Theo thiết kế, bãi rác này được xây dựng 7 ô chôn lấp rác; Hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác; Giếng quan trắc gồm 3 giếng tại hạ lưu và 1 giếng tại thượng lưu khu xử lý chất thải; Đường giao thông nội bộ và đê bao xung quanh ô chôn lấp; Thoát nước mưa xung quanh bãi rác; Cấp điện và cấp nước; Cổng, hàng rào và cây xanh.
Đến tháng 10/2010, UBND huyện Quỳ Hợp đã ban hành quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công và dự toán xây dựng công trình. Từ 36,6 tỷ đồng ban đầu, công trình sau đó đã được điều chỉnh dự toán đầu tư lên hơn 48 tỷ đồng.
Do khó khăn về giải phóng mặt bằng và nguồn vốn nên dự án kéo dài, phải đến ngày 15/10/2021, tức là sau hơn 10 năm, nhà thầu mới hoàn thành việc thi công các hạng mục xây dựng của dự án.
Thế nhưng, mặc dù đã hoàn thành cách đây hơn 2 năm, nhưng cho đến thời điểm hiện nay khu xử lý rác này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Trong khi bãi rác cũ ở thị trấn Quỳ Hợp nằm sát khu dân cư đã quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng khiến người dân bức xúc.
Khu xử lý chưa đưa vào hoạt động, nhưng bãi rác cũ ở huyện Quỳ Hợp đã quá tải.
Ông Nguyễn Tiến Sửu, Chủ tịch UBND thị trấn Quỳ Hợp cho hay, tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường của bãi rác này đã kéo dài từ nhiều năm qua, khiến người dân bức xúc, liên tục phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri. “Địa phương đã kiến nghị, đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện đóng bãi rác được vì khu xử lý rác mới chưa thể vận hành”, đại diện UBND thị trấn Quỳ Hợp cho biết.
Nhà cách bãi rác chỉ hơn 20m, chị Lê Thị Thực (SN 1981), trú tại khối 1, thị trấn Quỳ Hợp) cho biết, gia đình chị ở gần bãi rác nên nhiều năm nay phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên vào mùa mưa thì nước rỉ ra từ bãi rác chảy lênh láng, ngấm vào đất gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, mùa hè thì ruồi muỗi và thỉnh thoảng lại bị cháy nên gây ra mùi hôi thối bay khắp nơi. Thậm chí, mùa hè năm 2021, bãi rác này nhiều lần bốc cháy. Dù được chính quyền địa phương xử lý nhưng ngọn lửa vẫn cháy âm ỉ hàng tuần trời.
Nhà gần bãi rác khiến cho người dân bị "tra tấn" hàng chục năm qua.
“Cuộc sống chúng tôi bị xáo trộn hoàn toàn, ăn bữa cơm cũng không thể ngon miệng vì vừa đặt bát xuống là ruồi bu kín. Thương nhất là 2 đứa con nhỏ phải sống trong môi trường độc hại, chỉ mong chính quyền sớm giải tỏa bãi rác này”, chị Thực nói.
Loay hoay tìm cách vận hành khu xử lý rác
Ông Trần Đức Lợi, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho hay, thực tế chính quyền và người dân rất mong muốn đưa khu xử lý rác thải này vào hoạt động ngay sau khi hoàn thành, nhưng lại vướng cơ chế vì đây là công trình vốn đầu tư công.
Để vận hành phải có tổ quản lý vận hành, công nhân vận chuyển rác. Tuy nhiên, không thể bố trí cán bộ, viên chức của huyện đến quản lý vì huyện đang phải tinh giản bộ máy. Trong khi đó, nếu chuyển cho tư nhân vận hành thì lại vướng vì chưa có quy định cụ thể về việc chuyển tài sản công cho tư nhân quản lý, vận hành.
“Để đưa bãi xử lý rác thải vào vận hành thì cần phải thông qua việc đấu thầu để lựa chọn đơn vị vận hành, bởi vì đây là dự án đầu tư công. Hiện nay các bước thủ tục xin ý kiến các sở, ngành đã được UBND huyện thực hiện”, ông Lợi nói.
Việc kêu gọi doanh nghiệp hơn 1 năm qua vẫn chưa có kết quả.
Thậm chí, hơn 1 năm trước, ngày 22/9/2022, UBND huyện Quỳ Hợp đã phát thư thông báo tìm kiếm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư dịch vụ vận chuyển, thu gom, xử lý rác thải để vận hành cơ sở này. Sau đó, đã có doanh nghiệp nhận lời nhưng đến nay khu xử lý rác này vẫn chưa thể tổ chức vận hành được.
Về việc này, ông Trương Văn Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án xây dựng cơ bản huyện Quỳ Hợp cho biết, theo hướng dẫn của các sở, ngành, giữa tháng 12/2023, huyện đồng ý cho một doanh nghiệp vận hành thử khu xử lý rác mới của huyện trong 3 tháng.
Việc “đắp chiếu” hơn 2 năm qua, khu xử lý rác gần 50 tỷ đang bị hoang phí.
Sau thời gian này, ngành chuyên môn sẽ làm quan trắc môi trường để đánh giá các yếu tố liên quan rồi thông báo để doanh nghiệp nộp hồ sơ đấu thầu. Sau 3 tháng vận hành thử, huyện sẽ tổ chức đấu thầu tập trung.
“Thời gian tới hy vọng sẽ có doanh nghiệp đủ năng lực tiếp quản khu xử lý rác, đưa dự án vào hoạt động chính thức để gỡ vướng cho chính quyền cũng như người dân”, ông Nam nói.