Được ví như ‘kim cương đỏ’, loạt quả xuất từ Trung Quốc bán đầy chợ Việt
8:38 | 15/12/2023
Loại quả xuất xứ từ Trung Quốc được ví như “kim cương đỏ” đang bày bán tràn ngập chợ Việt. Loại quả khô này được cho là có nhiều công dụng cho sức khoẻ nhưng giá bán không quá đắt.
Kỷ tử sấy (câu kỷ tử) là loại thảo dược sử dụng phổ biến trong Đông y, được mệnh danh là “kim cương đỏ”, có một số tác dụng đối với sức khỏe. Với Tây y, đây là sản phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất.
Vì vậy, chúng được nhiều người mua về để làm nguyên liệu chế biến các món ăn, hãm trà uống hàng ngày.
Mặc dù được ví như “kim cương đỏ” song kỷ tử lại không hề hiếm mà được rao bán đầy chợ Việt. Giá của loại quả này khi sấy khô phổ biến ở mức 200.000-400.000 đồng/kg tuỳ loại.
Kỷ tử - loại quả khô của Trung Quốc được bán la liệt tại Việt Nam (Ảnh: NVCC).
Anh Lê Văn Hải, đầu mối bán thực phẩm ở Thanh Xuân (Hà Nội), cho hay, kỷ tử bán tại chợ Việt đều là hàng sấy khô được nhập từ Trung Quốc. Do dễ bảo quản nên anh thường nhập về số lượng lớn, lên tới vài tạ mỗi chuyến, để phục vụ nhu cầu khách mua sỉ và mua lẻ.
Kỷ tử nhập về được anh chia thành từng túi trọng lượng 250gram, 0,5kg hay 1kg. Mọi người thường mua kỷ tử sấy khô về làm các món canh hầm, xào, hấp, nấu chè hay hãm làm trà uống hàng ngày.
Một số cơ sở sản xuất chè dưỡng nhan, gói gia vị thuốc bắc làm món canh hầm,... thường xuyên nhập sỉ vài cân đến cả chục cân mỗi lần. Nhờ đó, một tháng riêng kỷ tử đỏ sấy khô anh tiêu thụ hết 70-80kg tuỳ theo mùa.
“Mùa đông và thu, lượng kỷ tử bán ra cũng tăng. Bởi, khi thời tiết se lạnh mọi người thường thích ăn lẩu, các món thịt hầm... Những món này nhiều gia đình thường dùng tới kỷ tử”, anh nói.
Chị Phạm Thị Nhàn, đầu mối bán set nguyên liệu chè dưỡng nhan và gói gia vị hầm thuốc bắc, chia sẻ, trong mỗi set nguyên liệu kỷ tử đỏ chỉ khoảng 15-20gram. Một tuần, chị sử dụng hết 10kg kỷ tử. Chưa kể, lượng kỷ tử bán theo túi trọng lượng 0,5kg, chị cũng tiêu thụ trên dưới 20kg mỗi tuần.
Hạt kỷ tử chị bán chỉ 300.000 đồng/kg, không quá đắt đỏ so với các loại quả khô khác trên thị trường. Trong khi, kỷ tử được các bà nội trợ chuộng mua vì có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ. Khách mua về làm nguyên liệu chế biến các món ăn, thậm chí làm đồ ăn vặt hàng ngày.
Về nguồn gốc kỷ tử bán trên thị trường, chị Nhàn thừa nhận, đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khu vực Tây Bắc của quốc gia này là vựa trồng kỷ tử lớn. Vào mùa quả chín, họ thu hoạch đem phơi khô hoặc sấy khô để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo đó, kỷ tử được các đầu mối nhập về quanh năm, sau đó phân phối ra thị trường.
Những năm gần đây, kỷ tử dần trở thành loại nguyên liệu phổ biến, xuất hiện trong nhiều bếp ăn của các gia đình. Song, theo các chuyên gia đông y, không nên ăn quá nhiều kỷ tử mỗi ngày, bởi đó là thuốc.
Thông thường, người sau 40 tuổi chỉ nên ăn khoảng 20gram kỷ tử/ngày. Người đang cảm sốt, cơ thể có chứng viêm, đau bụng... thì không nên dùng.
Nguyễn Kim Ngân