Vui xuân không quên... bài tập
Thứ sáu, 20/01/2012 08:27 GMT+7

Nhiều sở GD-ĐT nhắc nhở, yêu cầu các trường và giáo viên không được cho bài tập buộc học sinh phải làm trong dịp nghỉ tết. Tuy nhiên, việc nghỉ tết dài ngày khiến giáo viên và cả phụ huynh đều có nỗi lo chung là học sinh sẽ mê chơi, quên học.

Vì vậy, không ít học sinh vẫn phải cắm cúi làm bài tập những ngày cận Tết Nhâm Thìn.

Một học sinh lớp 1 của trường tiểu học ở Q.5, TP.HCM tranh thủ làm bài tập ở nhà với sự "giám sát" của phụ huynh (ảnh chụp chiều 16-1-2012) - Ảnh: Như Hùng

Sáng 16-1, một phụ huynh của Trường THPT G TP.HCM cho biết: "Con tôi học lớp 10, tôi rủ đi chơi tất niên nhưng con không chịu đi vì bảo phải ở nhà làm bài tập. Kiểm tra tôi thấy giáo viên cho bài tập ba môn toán, lý, hóa rất nhiều. Có môn cho 64 bài tập, có môn 20, 16 bài. Như vậy còn gì là tết nữa!".

Không nghỉ hoàn toàn

Trao đổi với chúng tôi, ban giám hiệu Trường THPT G cho biết: "Nhà trường đã sinh hoạt kỹ trước khi nghỉ tết là giáo viên cho bài tập để học sinh ôn bài khỏi quên kiến thức, chứ không căng thẳng, bắt buộc phải làm hết, nhất là với học sinh lớp 10, 11. Mặt khác, thầy cô thường giao cho học sinh bài tập của cả một chương, nhưng học sinh chỉ cần làm những bài trong nội dung đã học chứ không phải làm hết tất cả bài tập được thầy cô đưa ra".

Nhiều học sinh THPT khác cũng phải giải quyết số lượng bài tập lớn trong dịp tết. Cô Nh. - giáo viên Trường THPT Quang Trung, Hà Nội - cho biết: “Một năm học, có hai thời điểm nhạy cảm mà nhà trường phải tăng cường đôn đốc học sinh là trước và sau dịp nghỉ tết. Phần lớn học sinh có tư tưởng “xả hơi”, nhất là trong dịp nghỉ tết. Vì thế, việc giao bài tập là cần thiết”. Học sinh lớp cô Nh. chủ nhiệm sẽ phải hoàn thành 5-6 bài tập/môn với năm môn toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ.

Q.H., một học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, nói cô giáo đã thông báo trước việc sẽ “không nghỉ hoàn toàn trong dịp tết”, ngoài số lượng bài tập ở trường, còn phải hoàn thành bài tập của thầy, cô ở các lớp học thêm giao. Q.H. cho biết: “Để ăn tết thoải mái, em sẽ phải dành những ngày nghỉ trước tết giải quyết cho xong số bài tập về nhà”.

Chị H., phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Đống Đa, Hà Nội, cho biết: “Năm nào, hầu hết các môn chính như toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ cô cũng giao bài tập. Trong cuộc họp phụ huynh sơ kết học kỳ I vừa qua, cô giáo cũng quán triệt với phụ huynh việc phải yêu cầu học sinh làm bài tập để tránh việc mải chơi quên kiến thức”. Theo chị H., vì là học sinh cuối cấp nên ngày thường con phải học đến 23g-23g30, có những môn phải giải quyết cả chục bài trong một buổi tối. Ngày tết cũng muốn cho con nghỉ nhưng thấy cô nhắc nhở nên không dám góp ý.

Chỉ khuyến khích!

“Người lớn nghỉ tết thì trẻ cũng phải được nghỉ, không nên giao bài tập cho học sinh trong dịp tết. Đó là quan điểm của Sở GD-ĐT Hà Nội” - ông Phạm Xuân Tiến, trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định. Tuy nhiên, ở nhiều trường học tại Hà Nội, nhất là các trường tiểu học, giáo viên vẫn không yên tâm khi cho học sinh “nghỉ liên tục 11 ngày trong dịp tết”.

Tương tự, trong buổi sơ kết học kỳ I khối tiểu học ở TP.HCM, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng nhắc nhở các trường không được cho bài tập tết. Tuy nhiên, vẫn có một số giáo viên “lách luật” vì không yên tâm với việc học sinh được nghỉ hoàn toàn suốt hai tuần, chủ yếu rơi vào bậc tiểu học. Cô Hương, giáo viên tiểu học ở Tân Phú, TP.HCM, than thở: "Năm nào cũng vậy, nghỉ tết xong là giáo viên phải gò lưng rèn lại nề nếp, chữ viết, ôn lại kiến thức cho học sinh. Nhiều em mê chơi game suốt tết hoặc bố mẹ cho đi chơi thoải mái khiến các em quên hết bài vở, thậm chí không muốn đi học. Vì vậy giáo viên phải nhắc bố mẹ trong tết cố gắng mỗi ngày dành 30-60 phút ôn lại một số bài cho con”.

Cô Hằng, một giáo viên dạy tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết: "Mọi năm, mỗi dịp nghỉ tết, tôi giao cho học sinh 15-20 bài tập toán và tiếng Việt. Với những học sinh lớp bé, nếu để nghỉ hoàn toàn sẽ dễ quên kiến thức, bị chệch choạc. Giáo viên không yên tâm khi để học sinh bỏ bẵng chục ngày không học hành gì, việc bắt nhịp lại sau tết sẽ rất vất vả". Theo cô Hằng, sẽ giảm bớt số lượng nhưng vẫn giao khoảng chục bài tập cả tiếng Việt và toán để học sinh làm ở nhà. Tuy vậy “sẽ chỉ khuyến khích học sinh hoàn thành bài tập chứ không bắt buộc phải hoàn thành”.

Cô Oanh, dạy lớp 1 Trường tiểu học quốc tế Thăng Long, Hà Nội, cho biết: “Học sinh lớp 1 mới học chữ được một học kỳ, nếu bỏ ôn bài nhiều ngày sẽ rất dễ quên, chữ viết xấu đi. Vì thế cô giáo vẫn giao cho học sinh bài tập viết và yêu cầu ôn tập các phép tính đã học. Ngoài ra, khuyến khích phụ huynh mua các loại truyện tranh có chữ rõ ràng cho các con tập đọc. Đó vừa là hình thức giải trí, vừa để các con luyện đọc”.

Phụ huynh yêu cầu

Tại Hóc Môn, TP.HCM, một phụ huynh cho biết: “Lần họp phụ huynh cuối học kỳ I, nhiều phụ huynh yêu cầu giáo viên cho bài tập về làm dịp tết nhưng hiệu trưởng đã phản đối và quán triệt tinh thần “không giao bài tập tết để học sinh được thư giãn thoải mái trong hai tuần nghỉ tết”. Theo quan niệm của nhiều phụ huynh, nếu thầy cô không cho bài tập, con họ sẽ không chịu ngồi vào bàn học. Nếu hai tuần nghỉ tết các cháu thay đổi giờ giấc, nề nếp học tập sẽ không bắt nhịp được với việc học khi quay lại trường.

Trong khi đó, tại Hà Nội, cô M.  - giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng - cho biết: “Học sinh đã học hai buổi/ngày rồi nên cô không muốn giao bài tập về nhà, nhất là tết, nhưng chính phụ huynh lại yêu cầu. Có phụ huynh muốn cô giao bài tập để con không đi chơi những ngày giáp tết, trong khi bố mẹ tất bật với việc mua sắm, chuẩn bị tết”. Một cô giáo ở Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội giải thích tương tự và cho biết sẽ giao 10-15 bài, cả toán, tiếng Việt và bài viết chính tả cho học sinh trong dịp tết.

Nguồn Tuổi trẻ online