Ngày 15/6, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở.
Quang cảnh hội nghị.
Việc tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường là nội dung được các đại biểu quan tâm. Theo Cục Văn hóa cơ sở, sau 2 năm đóng cửa vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, được hoạt động trở lại, hiện nay hàng loạt cơ sở karaoke lại tiếp tục phải đóng cửa do không đảm bảo quy định về an toàn phóng cháy chữa cháy (PCCC). Nhiều cơ sở karaoke đứng trước nguy cơ phá sản do một số quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC khó thực hiện.
Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng ngành Văn hóa cần phải xác định vai trò quản lý trong cấp phép loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke và dịch vụ vũ trường. “Nếu chúng ta cấp phép mà lại là đơn vị cuối cùng cho các đơn vị kinh doanh được phép nhưng lại không thuộc thẩm quyền để giải quyết những vấn đề trong đó thì trách nhiệm của ngành văn hóa đến đâu. Chúng tôi nhận được nhiều đơn phản ánh của các doanh nghiệp. Nếu đây là loại hình dịch vụ có điều kiện thì điều kiện đó phải để cho các doanh nghiệp làm được, không phải điều kiện đưa ra để các doanh nghiệp phải đóng cửa” - bà Hương nhấn mạnh.
Còn theo ông Bùi Xuân Đức - Trưởng phòng Tổ chức lễ và sự kiện (Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM), những đơn vị kinh doanh karaoke và vũ trường nào đã được cấp phép trước khi Nghị định số 54/2019/NĐ-CP có hiệu lực thì cho tiếp tục hoạt động. Còn đối với những cơ sở mới thì thực hiện theo những quy định mới.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Quang Trọng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, việc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường không quy định rõ về thời hạn dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc theo dõi, quản lý loại hình dịch vụ này. Cùng với đó, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trong quá trình hoạt động thay đổi chủ sở hữu hoặc dừng hoạt động không làm thủ tục thông báo theo quy định, vì vậy rất khó nắm bắt, hướng dẫn kịp thời.
Ông Trọng kiến nghị cần rà soát toàn bộ những cơ sở hoạt động karaoke, có biện pháp thu hồi giấy phép kinh doanh của những cơ sở không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành. Thực hiện tốt thủ tục cấp phép theo đúng quy định cho những thập thể, cá nhân có nhu cầu kinh doanh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có biện pháp ngăn chặn những cơ sở vi phạm trong hoạt động loại hình dịch vụ này.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, đã là một Nghị định và tham chiếu có điều kiện thì kể cả trước hay sau phải đảm bảo sự minh bạch của các doanh nghiệp. Bộ VHTTDL cùng các bộ liên quan có biện pháp, tham mưu cơ chế chính sách để thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động karaoke. Không phải vì khó mà triệt tiêu nó.
Như vậy, sau gần 5 năm thực hiện, Nghị định số 54/2019/NĐ-CP đã đạt những hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường ngày càng chặt chẽ, việc chấp hành quy định của các chủ cơ sở kinh doanh được nâng cao và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự hội nghị, một số cơ sở kinh doanh vẫn chưa nhận thức đầy đủ về quy định của pháp luật về phòng, chống cháy nổ, dẫn đến những rủi ro, tổn thất lớn về con người. Theo các đại biểu, các quy định mới về PCCC cũng cần tạo điều kiện để các cơ sở kinh doanh hồi phục hoạt động.
Chủ đề: dịch vụ điểm nghẽn karaoke thông