Sau tất cả, hãy dán lại thế giới đã vỡ
Thứ ba, 17/05/2022 15:29 GMT+7

Cách đây hơn 2 năm, ngày chưa có Covid-19, thời mà chúng ta vẫn được đi làm hàng ngày, được ức chế vì sáng thứ Hai đã tắc đường lại nhiều deadline, được băn khoăn trưa nay ăn gì, một cuối ngày, cô con gái 4 tuổi đón tôi bằng bộ mặt lo lắng.

Chiếc iPad đã bị rơi vỡ màn hình. Vỡ thì cũng vỡ rồi, nhưng cái đáng nói là trên những mảnh vỡ chằng chịt như mạng nhện, có dán những miếng urgo.

“Con xin bà urgo để dán lại rồi”, con gái tôi mếu máo, chắc hẳn con bé đã trải qua một ngày khó khăn.

Quả thật ở thời điểm ấy, tôi cảm thấy khá tức cười, ai lại đi dán một chiếc iPad vỡ bằng băng keo cơ chứ. Miếng urgo ấy nào có tác dụng gì, ngoài việc làm hậu quả nổi bật lên?

Thế rồi virus Corona ập đến, lật đổ hoàn toàn thế giới mà chúng ta đang sống. Đã có quá nhiều thay đổi, nhiều điều đột ngột tệ đi, nhưng cũng có nhiều điều hóa ra không tệ lắm, một trong số đó là việc chúng ta có thêm thời gian để quan sát và suy ngẫm.

Không hiểu sao trong những ngày này tôi hay vơ vẩn nghĩ về hình ảnh cô bé 4 tuổi cố gắng dán urgo lên chiếc màn hình vỡ. Hình như nó không đơn thuần là hình ảnh của một lời xin lỗi vô dụng khiến người ta tức cười.

Sau tất cả, hãy dán lại thế giới đã vỡ

5 bước của cú sốc

Trong cuốn sách “Về tử vong và hấp hối” xuất bản năm 1969, nhà tâm lý học trị liệu người Thụy Sĩ Elisabeth Kübler-Ross lần đầu tiên trình bày lý thuyết 5 bước của đau thương. Dù không nhất thiết tuần tự, nhưng nhìn chung, quá trình đó lần lượt là: từ chối – giận dữ – thương thỏa – đau buồn – chấp nhận. Đây là một mô hình tâm lý được Kübler-Ross quan sát trên những người cận tử, những người vừa mất đi người thân, những người nhận được tin dữ…

Theo đó, khi đứng trước một biến cố lớn, tâm lý con người đầu tiên sẽ không chấp nhận, họ tìm mọi cách từ chối việc nó đã xảy ra. Cô ấy chưa bỏ tôi – chắc chỉ tạm thời tách nhau ra; tôi không bị ung thư – có thể kết quả nhầm ở đâu đấy; anh ấy chưa mất – chỉ là đi công tác không về… đều là những biểu hiện của quá trình này.

Tiếp theo, họ sẽ sang giai đoạn giận dữ, rõ ràng phải có ai đó đứng ra chịu trách nhiệm cho đau khổ hiện tại của họ. Họ giận dữ với những người gây ra tai họa, giận dữ với người thân, giận dữ với chính mình.

Bước sau đó thường là thương thỏa, khi người ta bắt đầu tự vấn bản thân bằng những kịch bản không có thật, mong quay về thời điểm khi thảm họa chưa xảy ra: nếu như tôi đối xử với anh ấy tốt hơn; nếu tôi không mắng con thậm tệ đến thế…

Sau những thương thỏa là buồn bã tiêu cực, là bất lực, trống rỗng, vô nghĩa, không biết tương lai đi về đâu. Mọi thứ trở nên quá sức chịu đựng. Quá trình này rất dễ nhấn chìm con người suốt nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Trầm cảm hay tự tử không phải là những suy nghĩ xa lạ.

Chấp nhận biến cố Covid-19 dù muốn dù không đã trở thành một phần của cơ thể, của lịch sử chúng ta.

Chỉ đến bước cuối cùng là chấp nhận, con người mới bắt đầu nhìn thấy ánh sáng của chữa lành. Chấp nhận không hề đồng nghĩa với “tôi ổn” khi biến cố xảy ra, mà là biến cố xảy ra rồi, nhưng tôi sẽ cố gắng ổn và đang dần ổn. Đây là quá trình vết thương bắt đầu tự lành và để lại sẹo, dần dà người ta có thể bớt nhìn lại chuyện cũ để đi tiếp.

Sau tất cả, hãy dán lại thế giới đã vỡ

Trong những ngày Covid-19 là tâm điểm của cả thế giới, ta dễ dàng nhận thấy 5 bước đau thương này hiện diện ở khắp mọi nơi. Hay nói cách khác, tất cả chúng ta đều là nạn nhân của cú đổ vỡ mang tên con virus ấy.

Dù dịch bệnh đã xảy ra 2 năm, nhưng không hiếm người không hề tin Covid-19 có thật, cũng như không ít người tin rằng tiêm vaccine là một âm mưu nhằm cấy… nano chip vào người, tin rằng không cần đeo khẩu trang, tin rằng chỉ cần chăm chỉ cúng bái thì có nhiễm virus cũng không sao cả… Họ không chỉ là nạn nhân của tin giả, mà họ còn muốn tin vào tin giả. Họ đang trong quá trình từ chối hiện thực.

Sự phẫn nộ xảy ra ở khắp nơi, sự hằn học sinh ra trên khắp cõi mạng. Bất kỳ ai là F0 cũng dễ dàng bị tấn công, đổ lỗi. Làm sai chắc chắn là có lỗi, nhưng người làm đúng cũng bị đổ lỗi, và không làm gì cũng bị đổ lỗi. Vì chúng ta cần ai đó chịu trách nhiệm cho những đau khổ, khó khăn bất thình lình của hiện tại. Đây là biểu hiện của quá trình giận dữ.

Hãy thử tâm sự với vài người bạn, ta dễ dàng bắt gặp ước mơ mang tên “giá như không có Covid…”. Ta cũng nghe được nhiều lời than thở chán chường, mất phương hướng, thậm chí bế tắc: “Những ngày này sẽ kéo dài đến bao giờ, tôi quá mệt mỏi rồi và không thể chịu đựng thêm được nữa”. Đó là những biểu hiện của quá trình tự thương thỏa và đau buồn.

Chúng ta bị ép phải rảo bước đến quá trình chấp nhận. Chúng ta bắt buộc phải chấp nhận rằng, thế giới này đã thay đổi và không bao giờ có thể quay về ngày xưa nữa. Chấp nhận biến cố Covid-19 dù muốn dù không đã trở thành một phần của cơ thể, của lịch sử. Chấp nhận thế giới cũ tiêu biến, một thế giới mới đã bắt đầu, mà hành trang mỗi người mang theo khi bước sang thế giới mới này đều là những vết thương đang đau, với những giai đoạn phục hồi tâm lý khác nhau.

Để không là nạn nhân của lịch sử

Sau tất cả, hãy dán lại thế giới đã vỡ

Covid-19 đến với cuộc đời chúng ta, về biểu tượng có lẽ khá giống câu chuyện chiếc iPad rơi vỡ với một cô bé 4 tuổi (nếu ta hiểu lũ trẻ ngày nay yêu iPad như thế nào).

Một biến cố xảy ra ngoài tầm với, tàn bạo, đột ngột, không thể đảo ngược và hoàn toàn vượt quá năng lực xử lý. Lũ trẻ hoàn toàn không biết được dán urgo lên iPad vỡ có làm nó chạy lại như cũ được không, càng không biết chúng sẽ bị trừng phạt thế nào, và tương lai hậu cú vỡ đi về đâu. Có thể nỗ lực của chúng là lóng ngóng, tức cười trong mắt người khác, nhưng ít nhất chúng biết cần phải làm gì đó. Vì đó là một phần của quá trình chấp nhận để chữa lành.

Dù bạn chọn làm gì, như là tiêm vaccine, như ở nhà viết nhật ký về những ngày Covid-19, hay lao ra ngoài làm tình nguyện viên tuyến đầu, hay chỉ là trồng thêm những cái cây ở lan can… thì ít nhất bạn đã làm gì đó.

Từ chối thì hoài nghi, phẫn nộ thì chỉ trích người khác, thương thỏa thì tự trách mình, đau buồn thì không muốn làm gì. Còn chấp nhận chính là hành động. Rất mừng là dù có bao nhiêu tiêu cực, hoài nghi, chỉ trích, giận dữ và đau thương bủa vây, ta vẫn luôn nhìn thấy rất nhiều hành động tích cực quanh mình. Tiêm vaccine để tự phòng vệ. Ủng hộ lực lượng y bác sỹ tuyến đầu. Tuân thủ 5K để tránh lây lan. Giúp đỡ một người gần mình trên ứng dụng Zalo Connect. Chăm sóc người thân, tâm sự với bạn bè. Làm điều gì đó lạc quan cho bản thân. Ủng hộ quỹ oxy…

Dù bạn chọn làm gì, như là tiêm vaccine, như ở nhà viết nhật ký về những ngày Covid-19, hay lao ra ngoài làm tình nguyện viên tuyến đầu, hay chỉ là trồng thêm những cái cây ở lan can… thì ít nhất bạn đã làm gì đó. Mà đã làm, tức là vết sẹo Covid-19 đã bắt đầu được chữa lành, và sẽ thành một phần của bạn.

Chúng ta cần tiến vào thế giới mới với những vết thương tâm lý đã bắt đầu lên da non, chứ không phải vẫn còn mưng mủ.

Chúng ta cần vùng vẫy để trở thành nhân chứng, chứ không phải làm nạn nhân, như những con số của lịch sử. Để nhiều năm sau, ta có thể kể lại với con cháu, rằng:

“Cháu ạ, ngày xưa dịch Covid-19 ở nước ta kinh khủng lắm, nhưng ông bà không hề đầu hàng…”

Ảnh: Happy Le (Detas studio)Bài: Đinh Trần Tuấn Linh

Nguồn Nguồn dep.com.vn