Thời tiết giao mùa, nhất là khi nhiệt độ giảm đột ngột có thể khiến cho nhiều bệnh lý trở nặng như các bệnh đường hô hấp (hen phế quản, viêm phế quản mạn tính…), bệnh dị ứng, cơ xương khớp và đặc biệt là nhóm bệnh lý tim mạch, đột quỵ.
Ảnh minh họa.
Đột quỵ được xem là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu.
Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15 - 49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ, 20% trong số đó tử vong. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong 40% quốc gia có nguyên nhân tử vong do đột quỵ vượt lên đứng đầu, cao hơn cả bệnh tim mạch. Trái ngược với thế giới, tỷ lệ nam giới bị đột quỵ ở nước ta nhiều hơn nữ giới gấp 1,5 lần.
Những người có nguy cơ đột quỵ thường là người có tiền sử đột quỵ, tăng huyết áp, mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, béo phì... Bên cạnh những yếu tố nguy cơ kể trên, một yếu tố khác giúp dự đoán nguy cơ đột quỵ là nhóm máu.
Nhóm máu nào dễ mắc đột quỵ sớm?
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Maryland (Mỹ) đã phân tích tổng hợp dữ liệu từ 48 nghiên cứu di truyền về đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở những người dưới 60 tuổi.
Những nghiên cứu này dựa trên kết quả phân tích 17.000 bệnh nhân đột quỵ và gần 600.000 người khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa đột quỵ sớm và một vùng nhiễm sắc thể chứa gen quyết định nhóm máu (A, B, AB hoặc O).
Nghiên cứu chỉ ra những người có nhóm máu A có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 16% trước 60 tuổi nhưng chỉ khoảng 5% đối với đột quỵ khởi phát muộn hơn. Trong khi đó, những người trẻ tuổi có nhóm máu O ít có khả năng bị đột quỵ hơn 12% và chỉ 4% khả năng bị đột quỵ khởi phát muộn hơn.
Ảnh minh họa.
Một nghiên cứu khác được trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Tim mạch Mỹ vào năm 2011 cũng từng chỉ ra những người không thuộc nhóm máu O, nghĩa là người thuộc nhóm máu A, B hoặc AB, có thể tăng nguy cơ đột quỵ sớm.
Theo đó, nam giới và phụ nữ có nhóm máu AB có nguy cơ đột quỵ cao hơn 26% so với những người có nhóm máu O, trong khi phụ nữ có nhóm máu B có nguy cơ đột quỵ cao hơn 15% so với phụ nữ có nhóm máu O.
Ngoài ra, họ cũng so sánh dữ liệu của những người bị đột quỵ trước và sau 60 tuổi. Nghiên cứu dựa trên dữ liệu của 9.300 người ở độ tuổi trên 60, từng bị đột quỵ và 25.000 người trên 60 tuổi chưa bao giờ trải qua đột quỵ.
Kết quả cho thấy, nguy cơ đột quỵ gia tăng ở nhóm máu A là không đáng kể ở nhóm người mắc đột quỵ muộn. Điều này cho thấy cơ chế gây ra đột quỵ ở từng giai đoạn trong đời là khác nhau.
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa nhóm máu và nguy cơ đột quỵ khởi phát sớm, nhưng họ nhấn mạnh rằng nguy cơ gia tăng là rất khiêm tốn. Theo đó, những người nhóm máu A hay AB không nên lo lắng về việc bị đột quỵ khởi phát sớm, hoặc phải thực hiện thêm các cuộc kiểm tra, xét nghiệm y tế sau khi biết được thông tin này.
Vì sao những người nhóm máu A có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn?
Nhà thần kinh học Steven Kittner, Đại học Maryland (Mỹ) thông tin: "Chúng tôi vẫn chưa biết tại sao nhóm máu A lại có nguy cơ cao hơn. Nguyên nhân có thể liên quan đến các yếu tố đông máu như tiểu cầu cũng như các protein tuần hoàn khác, tất cả đều đóng vai trò dẫn tới cục máu đông".
Ảnh minh họa.
Thông thường, các nhóm máu ngoại trừ O dễ hình thành cục máu đông hơn. Cục máu đông là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đây là loại đột quỵ phổ biến nhất. Nghiên cứu trước đây cũng kết luận những người nhóm máu A có thể bị huyết khối tĩnh mạch sâu hơn. Mang nhóm máu AB dễ khiến một người có khả năng nhiễm và tử vong vì Covid-19 hơn.
Mặc dù không thể thay đổi nhóm máu nhưng đột quỵ có thể phòng ngừa bằng việc thay đổi lối sống, kiểm soát huyết áp cao, đái tháo đường, mức cholesterol cao, hút thuốc, béo phì... để giảm nguy cơ đột quỵ. Thay đổi lối sống có thể ngăn ngừa đến 80% đột quỵ.
Một số thay đổi lối sống bao gồm bỏ hút thuốc, ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, cá và các loại hạt, tập thể dục thường xuyên, thậm chí chỉ 10 phút mỗi ngày.
Những người bị huyết áp cao nên đo huyết áp tại nhà và ghi lại số đo hàng ngày. Theo dõi mức cholesterol và thường xuyên liên lạc với bác sĩ nếu có sự thay đổi bất thường.
Phương Anh (Theo Medical News Today)