Mổ lợn phải có giấy phép và chuyện đụng lợn Tết chui thời bao cấp
Thứ hai, 13/01/2020 14:17 GMT+7

Gia đình nào nuôi được lợn phải bán cho nhà nước. Chỉ có trại chăn nuôi và cửa hàng thực phẩm nhà nước mới được giết mổ lợn, bán phân phối cho cán bộ, công nhân viên.

Gia đình nào nuôi được lợn phải bán cho nhà nước. Chỉ có trại chăn nuôi và cửa hàng thực phẩm nhà nước mới được giết mổ lợn, bán phân phối cho cán bộ, công nhân viên.

Thời gian gần đây, trước cơn “bão giá” thịt lợn, nhiều gia đình đã rủ nhau đụng lợn để tránh thâm hụt chi tiêu, do giá thực phẩm tăng, nhưng thu nhập không tăng. Dù có khác nhau về hình thức và nội dung, nhưng câu chuyện này ít nhiều gợi cho chúng ta nhớ đến chuyện đụng lợn Tết thời bao cấp, thời kỳ mà đất nước còn gặp khó khăn, hàng hóa khan hiếm, nhu yếu phẩm cần thiết đều phải phân phối theo chế độ tem phiếu.

Thời gian khó và kế hoạch đụng lợn bí mật

Trong bài Nuôi lợn thời bao cấp, sách Chuyện thời bao cấp (NXB Thông tấn xuất bản, 2017) tác giả Hiệu Minh cho biết những năm 1960, nhà ai nuôi lợn phải đăng ký với chính quyền. Thịt mua bán đều phải làm đơn trình báo rồi nộp thuế khá cao. Lợn mình bỏ tiền ra mua, nuôi bằng nước gạo và cám nhà mình, nhưng thuộc sở hữu nhà nước.

Chẳng ai dại gì đi nộp thuế vài đồng một đầu lợn, trong khi cả con lợn chỉ được vài chục đồng. Thế là có chuyện thịt lợn trộm, đủ kiểu, đủ bài.

Mổ lợn phải có giấy phép và chuyện đụng lợn Tết chui thời bao cấp

Nông dân cân lợn bán cho nhà nước thời bao cấp. Ảnh tư liệu

Trong bài Đụng lợn thời gian khó, sách Chuyện thời bao cấp, tác giả Đức Toàn cho biết thêm thời chiến tranh chống Mỹ, với khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nên yêu cầu cung ứng thực phẩm cho bộ đội rất cao.

Gia đình nào nuôi được lợn phải bán cho nhà nước. Chỉ có trại chăn nuôi và cửa hàng thực phẩm nhà nước mới được giết mổ lợn, bán phân phối cho cán bộ, công nhân viên. Còn người dân dù nuôi được nhiều hay ít thì cũng bị cấm giết mổ; nhà có đám vui buồn cũng cấm. Ai vi phạm sẽ bị tịch thu sản phẩm kèm theo những án phạt khác nhau của chính quyền.

Chính vì vậy mà gần đến ngày Tết, những nhà có kế hoạch đụng lợn phải bí mật bàn bạc nhau thật tỉ mỉ chương trình hành động. Đám trẻ con tuyệt nhiên không được cho biết vì thuộc đối tượng dễ làm lộ. Những nhà khá giả, đông con cháu thì không cần chung đụng mà tự giết, tự tiêu thụ cả con lợn và họ thường mổ trước Tết khoảng 3 ngày (còn lấy thì giã giò, làm nem, chả). Còn nhà những nhà nghèo thì phải đúng ngày 30 Tết mới nghỉ việc và giết lợn.

Mổ lợn phải có giấy phép và chuyện đụng lợn Tết chui thời bao cấp

Tem phiếu thịt thời bao cấp. Ảnh tư liệu

Khoảng 2 - 3h sáng, chọn thời điểm xóm làng đang yên giấc, các nhà chức trách không đi tuần tra, những người đụng lợn bắt đầu hành sự ở một vị trí và địa thế kín đáo nhất (trong những gia đình đụng lợn). Họ dùng chiếc bao tải, đổ tro bếp vào, rồi chụp lên đầu con lợn. Con lợn bị bỏ đói từ tối hôm trước nên háu ăn, sục ngay mõm vào và hít mấy cái. Tro bếp xộc vào mồm, vào mõm, lợn sặc và chỉ kêu vài tiếng yếu ớt là tắt thở.

Những người mổ lợn bỏ bao tải tro ra và dội ngay một xô nước, rồi tranh thủ chọc tiết ngay (cũng có nơi thì cho cái vồ vào đầu, lợn ngất cho ngay lên bàn chọc tiết). Trong quá trình mổ lợn không ai trong số họ nói cười, tiếng động cũng được hạn chế. Một nồi nước sôi được chuẩn bị sẵn, quá trình cạo lông diễn ra trong 10 phút.

Sau khi con lợn được mổ phanh ra, bộ lòng được một nhóm xử lý riêng, thịt và xương được một nhóm khác cắt ra và chia đều bằng chiếc cân cổ, địa bằng đồng, cán bằng gỗ và mỗi lần chỉ cân tối đa được 1 kg. Các bà các chị, mang rổ đến, xếp thịt, xương vào, đậy kín và nhà nào nhanh chóng về nhà ấy để chế biến.

Sáng ra các món chế biến xong, cũng là lúc lũ trẻ ngủ dậy mà không biết việc gì diễn ra trong đêm. Và thời khắc sung sướng nhất buổi sáng ngày 30 Tết là nhà nào nhà ấy quây quần ăn món tiết canh lòng lợn (bữa tất niên). Nhiều nhà sợ lộ, nên khi ăn đóng kín cửa, cài chặt cổng.

Đúng một năm có một bữa no nê, hả dạ như thế, nên cũng có nhiều chuyện dở khóc dở cười từ bữa ăn tất niên này. Có người cả năm mới được ăn no thịt nên bụng đầy, ậm ạch cả ngày. Có người bị bội thực, khó chịu như người say nắng.

Mổ lợn phải có giấy phép và chuyện đụng lợn Tết… chui

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, nhà nước cho phép các hộ gia đình được giết mổ lợn Tết, nhưng phải có giấy phép của UBND xã và nộp thuế sát sinh. Việc đánh thuế sát sinh cao được coi là một biện pháp để hạn chế người dân bán ra thị trường tự do.

Mặt khác việc này cũng đảm bảo việc phân phối thịt lợn Tết cho cán bộ công nhân viên (tiêu chuẩn 0,5 kg thịt lợn/ 3 ngày Tết, còn ngày thường 0,3 kg/ tháng). Theo tác giả Ngô Minh trong bài Chuyện lo Tết thời bao cấp, sách Chuyện thời bao cấp, để có đủ tiêu chuẩn thịt lợn Tết trên (cùng những thực phẩm khác), Sở Thương mại phải họp với các công ty, cửa hàng suốt hai ngày liền…

Mổ lợn phải có giấy phép và chuyện đụng lợn Tết chui thời bao cấp

Quầy bán hàng thịt Tết thời bao cấp. Ảnh tư liệu

Cán bộ thu mua hồi đó “bám chuồng lợn như bám địch”, người nào cũng có một cuốn sổ tay, ghi chép cẩn thận hộ nào có lợn, mấy con, nuôi từ bao giờ, đã được bao ký, khi nào thì xuất chuồng. Rồi họp thôn, xã công bố công khai những thông tin này. Nhà nào thực hiện nghiêm chỉnh thì tổ chức giết mổ công khai đàng hoàng. Thế nhưng, nhiều nhà vẫn trốn thuế, không xin phép và mổ lợn chui.

Đã là mổ lợn chui cũng phải bí mật như chuyện đã kể trên. Trong bài Đụng lợn thời gian khó tác giả Đức Toàn cho biết, người ta sẽ chôn lấp lông và phân lợn (thường ngoài vườn); rửa dội thật sạch chỗ giết mổ, phi tang hầu hết dấu vết trước khi trời sáng.

Cũng phải nói thêm rằng, chuyện đụng lợn ngày Tết thường diễn ra ở những gia đình có mức sống trung bình trở lên, còn những gia đình nghèo đói quanh năm thì chỉ dám mua vài cân thịt chui ở “chợ đen”, trong 3 ngày Tết, họ ăn thịt rang mặn với rau dưa là chính. Những món thịt đông, giò lụa, canh miến, chè kho… đối với họ là niềm mơ ước. Chỉ sáng mồng Một Tết họ mới dám thịt con gà để cúng tổ tiên. Vì thế mấy ngày trước Tết, nếu nghe tiếng lợn kêu từ nhà nào vọng lại, họ thấy chạnh lòng và chỉ biết thở dài.

Minh ChâuĐụng lợn Tết thời bao cấp Chăn nuôicấm giết mổbán phân phốikhó khănTếtxin phépthuế sát sinhthịt trộmthịt chuithương nghiệpthương mạichuyện thời bao cấpHiệu MinhĐức ToànNgô Minh

Bình luận

Bạn có thể quan tâm

Nguồn news.zing.vn
Đụng lợn Tết thời bao cấp