Giàu vì bạn, sang vì….thông gia
Thứ tư, 11/01/2012 10:43 GMT+7

Triết lý “không có nghề nào cao quý, chỉ có bản thân người làm nghề là cao quý” chẳng bao giờ sai.

Mang nặng tư tưởng “môn đăng hộ đối”, bà Lan những tưởng rằng làm thông gia với người làm những nghề “hèn kém” sẽ thật đáng xấu hổ, còn được làm thông gia với người giàu sang sẽ khiến bà khẳng định đẳng cấp. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh điều ngược lại.  Triết lý “không có nghề nào cao quý, chỉ có bản thân người làm nghề là cao quý” chẳng bao giờ sai.

Đường phố những buổi sáng sớm mùa đông lạnh lẽo và vắng vẻ đến ảm đạm, đâu đó chỉ loáng thoáng một vài bóng người dậy sớm tập thể dục một cách uể oải, mọi người như gồng mình để chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt.

Vậy mà bà Thiều lại cảm thấy rất bình thản, bà đã quá quen với cảnh thức khuya dậy sớm bất kể trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt thế nào. Chồng mất sớm, bà Thiều làm nhân viên ở công ty môi trường đô thị đã gần 20 năm nay, với một công việc chẳng lấy gì là “vẻ vang” là quét dọn vệ sinh và giữ gìn mỹ quan cho khu phố.

Mới đầu, bà cũng thấy không thể chịu nổi công việc quá vất vả và lại còn bị mọi người nhìn với ánh mắt coi thường. Nhưng rồi do gánh nặng mưu sinh bà cũng đành phải chấp nhận nó mà trong lòng thực sự luôn cảm thấy xấu hổ.

Bà nhớ lúc đầu đi làm công việc này, bà rất sợ gặp phải người quen, lúc nào cũng có khẩu trang đã đành, nhưng lỡ có người quen đi ngang qua, thế nào bà cũng cố quay mặt đi chỗ khác để tránh mặt. Nhưng chẳng biết tự bao giờ, bà cảm thấy quen dần, dần dà nói là yêu quý thì cũng không hẳn, nhưng bà cũng cảm thấy rất gắn bó với công việc này, bà là một trong số rất ít người làm việc với cả tâm huyết và rất có trách nhiệm đối với công việc.

Những khu vực bà phụ trách, bao giờ cũng sạch bóng hơn rất nhiều so với những khu vực khác. Công việc này tuy phải thức khuya dậy sớm nhưng bà cũng có thể tranh thủ thời gian còn lại để mở quầy tạp hoá nho nhỏ ngoài chợ, chính vì vậy cuộc sống của hai mẹ con bà tuy không giàu nhưng cũng đủ bà trang trải và nuôi cô con gái duy nhất học hành cẩn thận.

Gia đình bà Lan giàu có nổi tiếng trong khu phố. Chồng bà nghe đâu cũng là sếp trong một cơ quan nhà nước. Bà nổi tiếng là người cơ hội, đối với người có quyền có chức bà thường tỏ thái độ rất xum xoe nịnh nọt, nhưng đối với những người nghèo, bà lại coi chẳng ra gì.

Chẳng thế mà mọi  người còn rỉ tai nhau rằng, bà đã nghiên cứu và tuyển lựa thông gia ngay từ khi hai con bà còn đang học phổ thông. Cũng may Hoàng và Long, hai con của bà Lan - tuy là con nhà giàu nhưng rất chịu khó học hành và rất thân thiện chứ không kênh kiệu giống mẹ.

Cuộc sống vốn luôn tiềm ẩn những chuyện trớ trêu, mà chuyện con trai cả nhà bà Lan kết hôn với con của một gia đình làm nghề quét rác là một trong những truyện trớ trêu nhất thị trấn này. Hôn lễ đã được cử hành cả tháng trời rồi mà những lời xì xào bàn tán vẫn mãi không dứt.

Là người trong cuộc, hơn ai hết, bà Lan cảm thấy đau đớn như thế nào khi Hoàng - đứa con mà bà đặt nhiều kỳ vọng nhất lại nhất quyết đòi lấy Trang - con gái một gia đình vừa nghèo lại vừa có mẹ làm nghề quét rác, một nghề mà bà Lan coi như “quá tầm thường” của xã hội.

Bà lồng lộn, ốm lên ốm xuống, thề sẽ từ mặt… nhưng Hoàng nhất định không lay chuyển. Cực chẳng đã, bà đành phải ngậm ngùi chấp nhận bởi suy cho cùng Hoàng năm nay đã gần 30 tuổi, ông chồng bà cũng sắp nghỉ hưu, nếu không tranh thủ cưới ngay thì e sẽ chẳng có cơ hội khác.

Lần đầu hai nhà gặp gỡ, nhìn hai mẹ con bà Thiều ăn vận có phần quê mùa, bà Lan chỉ khinh khỉnh liếc xéo rồi cả buổi lạnh lùng chẳng nói câu nào. Để chuẩn bị cho đám cưới, bà Thiều đến khốn khổ để có thể đáp ứng hết các nhu cầu của bà Lan.

Bà Lan luôn luôn tỏ thái độ bề trên, khinh thường ra mặt và bắt bà Thiều làm theo cả danh sách dài những thứ mà bà Lan gọi là “nghi lễ giao tiếp”: trang phục phải may ở hiệu nổi tiếng do đích thân bà Lan giới thiệu mà mới nhìn giá tiền bà đã muốn ngất xỉu, rồi cách đi đứng, cách cười xã giao, cách cầm ly rượu sao cho trang trọng…

Thỉnh thoảng, bà còn không quên buông những câu kiểu như: “Bà phải mặc thật đẹp và sang trọng đừng để xấu mặt tôi”, “Nếu bạn bè tôi có hỏi bà làm nghề gì, thì bà đừng có trả lời kẻo tôi không có lỗ nào chui xuống”… Bà Thiều quá cay đắng khi nghề nghiệp chân chính của mình bị bà Lan chà đạp không thương tiếc.

Mặc dù được Hoàng lên dây cót tinh thần nhưng bà cũng không thể tưởng tượng tại sao trong xã hội hiện đại ngày nay mà còn có những người suy nghĩ thiển cận như thế. Nếu không có những người như bà Thiều thì ai sẽ là người mang lại mỹ quan cho từng góc phố, từng ngõ nhỏ?

Chưa nói đến chuyện ở khu phố bà ở, bà được mọi người rất quý trọng bởi lối sống dung dị, thương người. Hễ nhà ai có việc, chỉ cần nhờ một tiếng, bà đều không nề hà. Bà xót xa nghĩ đến con gái, không biết nay mai Trang sẽ xoay xở làm sao khi phải sống với bà mẹ chồng khó tính như bà Lan.

Đúng như bà Thiều dự đoán, mặc dù được Hoàng hết sức thương yêu, nhưng Trang không tránh khỏi sự buồn tủi khi hở ra là bà Lan lại mỉa mai khinh thường ra đình cô, thường xuyên dùng những lời lẽ khó nghe để nói về nghề nghiệp của mẹ cô.

Mặc dù Trang là một cô gái ngoan ngoãn và đảm đang, lại cư xử rất khéo léo tế nhị nhưng dường như điều đó không làm cho bà Lan hài lòng, bà luôn cố nghĩ ra một lý do nào đấy để chê cô. Trong lòng bà mang nặng nỗi ám ảnh về nguồn gốc xuất thân của cô con dâu nên mọi sự cố gắng của Trang bà chẳng bao giờ chịu ghi nhận.

Từ ngày làm thông gia với bà Thiều, mỗi khi bạn bè hỏi thăm về thông gia, bà Lan chỉ ậm ờ rồi nói lảng sang chuyện khác. Bà cảm thấy, làm thông gia với một người làm nghề quét rác sẽ khiến tất cả mọi người nhìn bà với ánh mắt khinh thường.

Mỗi khi có dịp cùng bạn bè đi qua khu vực nơi bà Thiều thường quét rác, bà Lan đều cố đi thật nhanh chỉ sợ gặp bà Thiều, hoặc nếu có gặp bà cũng tỉnh bơ như không quen biết rồi đi thẳng.

Mấy hôm nay, tâm trạng bà Lan bỗng vui vẻ lạ thường, trong nhà bà người ra người vào tấp nập, bà đang trang hoàng lại nhà mới để chuẩn bị tổ chức đám cưới cho cậu con út. Bà Lan dường như muốn thông báo với cả thế giới rằng mình sắp được làm thông gia với con ông Trịnh - giám đốc một công ty rất lớn trong tỉnh.

Dường như ông trời không nỡ để bà chịu thiệt thòi khi bù đắp cho bà cô con dâu vừa xinh đẹp vừa con nhà quyền thế. Bà quay ngoắt 180 độ trong cách đối xử với thông gia mới.

Đích thân bà dẫn con dâu và thông gia đi may quần áo, lễ phục, đích thân bà sắm sửa đồ đạc, trang hoàng phòng cưới cho con trai với toàn đồ xịn. Đám cưới đã trôi qua cả tuần lễ mà người ta vẫn không khỏi xuýt xoa trước độ hoành tráng của nó.

Mặc dù cùng là con dâu trong một nhà nhưng người ta thấy rõ có hai số phận khác hẳn nhau: một người thì chẳng bao giờ động tay động chân vào bất cứ việc gì, một người thì tất bật từ sang đến tối…Không những thế, Kiều Anh - cô con dâu thứ hai nhà bà Lan luôn tỏ thái độ hợm hĩnh khinh người khiến cho họ hàng nhà bà Lan chẳng ai muốn gần.

Bà Lan những tưởng được làm thông gia với gia đình giàu có thì sẽ được mát mặt. Nhưng xem ra từ ngày làm dâu với nhà ông Trịnh bà có vẻ lép vế hơn rất nhiều. Nếu bà không đích thân đến thăm thì chẳng bao giờ vợ chồng ông Trịnh ghé qua chơi với bà.

Nếu bà qua nhà chơi, họ cũng tiếp đón bà với thái độ rất trịnh thượng, khách sáo với một vẻ chẳng lấy gì làm mặn mà. Với một người chỉ quen được người khác phục tùng như bà Lan bị đối xử như vậy khiến bà cảm thấy rất ấm ức.

Hơn nữa lại bị cô con dâu xinh đẹp vừa chẳng bao giờ làm gì vừa lúc nào cũng chỉ biết ra yêu sách lại càng khiến bà đã tức lại càng tức giận hơn. Chẳng biết từ bao giờ, bà Lan đã bắt đầu có sự so sánh giữa hai cô con dâu, rồi đến hai gia đình thông gia.

Hôm nay, bà Lan chuẩn bị kỹ càng từ rất sớm, chẳng là hôm nay sếp tổng của bà tổ chức lễ mừng tân gia. Gia đình bà được như ngày hôm nay, có sự giúp đỡ của sếp tổng rất nhiều. Lựa chọn bộ quần áo ưng ý nhất, bà vẫy taxi đến nhà hàng.

Vừa bước vào, bà bỗng khựng lại khi thấy bà Thiều cũng có mặt ở đấy, lại còn nói chuyện rất thân mật với sếp tổng. Quay đi thì không kịp, bà đành phải gượng gạo bước đến trình diện sếp. Sếp tổng nhìn thầy bà cười rất tươi: cô Lan thật vinh dự khi được làm thông gia với cô Thiều đấy nhé, cả gia đình tôi được như bây giờ là nhờ một phần lớn công của cô Thiều.

Sau giây phút ngỡ ngàng, bà mới biết cách đây gần chục năm, khi bà Thiều quét rác, nhặt được chiếc cặp đựng rất nhiều tài liệu quan trọng và 20 triệu tiền mặt - cả một gia tài rất đáng giá lúc bấy giờ nhưng bà đã tìm đến tận nhà trả lại cho chủ nhân mà không nhận bất kỳ sự trả ơn nào.

Nghe câu chuyện về bà Thiều xong bà Lan cảm thấy xấu hổ vô cùng. Bà không ngờ rằng, chính nhờ được làm thông gia với bà Thiều, mà bà được sếp tổng dành cho rất nhiều đặc ân và thêm phần vị nể.

Xem ra, những tiêu thức được bà sử dụng để đánh giá con người đều sai lầm hoàn toàn. Bà chỉ chạy theo những điều phù phiếm mà không biết rằng, giá trị quý nhất của con người chính là trái tim nhân hậu và nồng ấm.
Nguồn Phunutoday