Việt Nam đang cận kề một sự chuyển đổi nhân khẩu học với dân số già đi nhanh chóng. Sự thay đổi này đặt ra những thách thức lớn, đặc biệt đối với phụ nữ, những người thường phải đối mặt với những hậu quả không thể lường trước trong các xã hội có truyền thống gia trưởng.
Tại Việt Nam cũng như ở nhiều nước châu Á khác, phụ nữ cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi sự chuyển đổi nhân khẩu học do những định kiến về văn hóa và sự bất bình đẳng giới tính lâu đời.
Theo quan niệm gia trưởng tại Việt Nam, cha mẹ già phải sống với con cái, cụ thể là với con trai. Chuẩn mực văn hóa này đã được củng cố qua nhiều thế hệ, khiến những người mẹ già bị xem như gánh nặng. Việc này hàm ý rằng phụ nữ có nhiều khả năng phải đối mặt với tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội và chịu cuộc sống nghèo khó trong những năm cuối đời. M Niaz Asadullah, giáo sư khoa Kinh tế Phát triển tại Đại học Monash nhận định: “Người mẹ già thường bị coi là gánh nặng trong các xã hội trọng nam khinh nữ, khiến họ thêm yếu thế trước khó khăn kinh tế”.
“Tâm lý ưa thích con trai trong xã hội Việt Nam đã gây ra những hậu quả lâu dài. Phụ nữ không chỉ bị đánh giá thấp trong cơ cấu gia đình mà còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử đáng kể trong suốt cuộc đời, làm giảm cơ hội đảm bảo về kinh tế của họ khi về già. Bất bình đẳng giới biểu hiện từ thời thơ ấu đến tuổi già và nó có tác động thực sự đến hạnh phúc của phụ nữ cao tuổi” - giáo sư Asadullah cho hay.
Một nghiên cứu gần đây tại Thái Lan đã đưa ra một giải pháp tiềm năng cho những thách thức này. Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ cao tuổi sống với con gái có mức độ hạnh phúc cao hơn và sức khỏe tốt hơn so với những người sống với con trai hoặc một mình. Ngoài ra, việc sống chung với con gái có bằng đại học thậm chí còn mang lại kết quả tích cực hơn, như giảm bớt sự cô đơn và điều kiện tài chính được cải thiện.
Mặc dù nghiên cứu chỉ ra những kết quả tích cực nhưng dữ liệu tại Việt Nam lại cho thấy những phát hiện trên có thể không phù hợp với cấu trúc gia đình truyền thống. Ở Việt Nam, hầu hết cha mẹ già sống với con trai, củng cố thêm cho quan niệm con trai phải chịu trách nhiệm chăm sóc bố mẹ.
Bất chấp những thách thức này, Việt Nam có thể giải quyết bất bình đẳng giới bằng cách tập trung vào giáo dục và cải cách xã hội. Giáo dục là chìa khóa để thay đổi các chuẩn mực gia trưởng và truyền động lực cho phụ nữ. Bằng cách cung cấp cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng, Việt Nam có thể tiến tới bình đẳng giới và cải thiện chất lượng cuộc sống cho phụ nữ lớn tuổi.
Đầu tư vào việc hỗ trợ người cao tuổi, bất kể giới tính, là một bước quan trọng khác. Do sự hỗ trợ của gia đình là nguồn chăm sóc chính cho người già, việc phụ thuộc vào con trai có thể làm trầm trọng thêm các bất bình đẳng về giới tính. Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam đang trở nên đáng lo ngại, đặc biệt là đối với phụ nữ cao tuổi, những người thường thiếu nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết để có cuộc sống chất lượng.
Sự thay đổi nhân khẩu học ở Việt Nam đòi hỏi phương pháp đa chiều nhằm đảm bảo rằng những định kiến về giới không làm suy yếu sức khỏe và phúc lợi của phụ nữ cao tuổi. Những cải cách giúp thay đổi định kiến văn hóa và thúc đẩy bình đẳng giới sẽ là rất cần thiết. Ngoài ra, việc cung cấp sự hỗ trợ có hệ thống cho phụ nữ cao tuổi có thể làm giảm sự phụ thuộc của họ vào cấu trúc gia đình truyền thống, vốn có xu hướng thiên về con trai.
Hướng đi tiếp theo liên quan đến việc giải quyết những định kiến văn hóa, thúc đẩy giáo dục cho phụ nữ và hỗ trợ các quy định mang tính hệ thống cho dân số già. Khi sự thay đổi nhân khẩu học diễn ra, Việt Nam có cơ hội tạo ra một xã hội công bằng hơn, nơi phụ nữ cao tuổi được coi trọng và được hỗ trợ, thách thức truyền thống gia trưởng lâu đời đã tồn tại bấy lâu.
P.V