Kết cấu công trình thuộc phân đoạn 3 của đường Vành đai 2 TP.HCM đã gỉ sét, hoang hóa do bị ngừng thi công từ tháng 3/2020. Theo UBND TP.HCM, dự án này sẽ được tháo gỡ khó khăn để tái khởi động trong thời gian tới.
Đường Vành đai 2 có tổng chiều dài 64 km, quy mô 6-10 làn xe. Công trình đi qua nhiều quận, huyện vùng ven của TP.HCM, kết nối vành đai ngoại thành từ đại lộ Nguyễn Văn Linh qua nút giao Mỹ Thủy, qua cầu Phú Hữu (TP Thủ Đức), kết nối xa lộ Hà Nội, tuyến Phạm Văn Đồng và quốc lộ 1A (đoạn qua quận Thủ Đức).
Đường Vành đai 2 được TP.HCM quy hoạch từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư toàn tuyến là 12.540 tỷ đồng. Dự án này được đánh giá là rất quan trọng cho giao thông khu vực vùng đệm ngoài của thành phố. Tuy nhiên, nhiều hạng mục đã ngừng thi công từ tháng 3/2020.
Dự án đường Vành đai 2 được chia thành 4 phân đoạn gồm:
Phân đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dài 3,5 km.
Phân đoạn 2 từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,5 km.
Phân đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,75 km.
Phân đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh) dài 5,3 km.
Trong đó, phân đoạn 3 (trong ảnh) được xây dựng từ năm 2017 đến nay vẫn chưa hoàn thành, công trình bị bỏ hoang từ tháng 3/2020.
Công trường phân đoạn 3 được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), có tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng (bao gồm tiền giải phóng mặt bằng), tiến độ đạt gần 44% khối lượng thi công thì ngừng.
Nguyên nhân do vướng mắc trong thủ tục thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư, cùng với đó là nhiều khó khăn liên quan công tác đề bù, giải tỏa. Trong ảnh, nhiều kết cấu sắt, thép hoen gỉ theo thời gian.
Nhiều đơn vị thi công các công trình xây dựng gần đó đến đổ xà bần khiến cảnh quan nhếch nhác, mất vệ sinh.
Ngổn ngang vật liệu xây dựng khắp nơi.
Một số phân đoạn khác cũng đang được xây dựng dở dang. Hiện toàn tuyến đường vẫn còn 14 km chưa khép kín.
Để khép kín đường Vành đai 2, TP.HCM cần đầu tư nhiều đoạn gồm: Đoạn từ ngã 3 An Lập (quận Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Nhà Bè). Đoạn từ cầu Phú Hữu (TP Thủ Đức) đến xa lộ Hà Nội (khoảng 3,8 km) và đoạn từ khu vực nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức)…
Một số khu vực dự án tuy đã được rào chắn nhưng người dân địa phương vẫn dùng làm lối đi. Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp cho TP.HCM tháo gỡ khó khăn cho một số dự án giao thông theo hình hợp đồng BT. Đây được xem là tín hiệu khả quan để phân đoạn 3, đường Vành đai 2 sớm ngày tái khởi động.
Khi hoàn thành, đường Vành đai 2 sẽ giảm áp lực giao thông cho vùng trung tâm TP.HCM, mở ra nhiều hướng kết nối giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.