PGS Trần Tân Văn cảnh báo, trong những ngày tới, nếu vết nứt phát triển từ 200m đến hàng cây số, có nghĩa khối trượt đang dịch chuyển và nguy cơ sạt lở lớn có thể xảy ra.
Thời gian gần đây, các địa phương ở Đắk Nông, Lâm Đồng xuất hiện vết nứt đất lớn. Đơn cử như, ngày 31/7, tại bon Bu Krắc (xã Quảng Trực), lực lượng chức năng ghi nhận có 2 tiếng nổ lớn, đi kèm với sự rung chấn từ mặt đất.
Đến sáng 1/8, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vết nứt gãy trên mặt đất. Các vết nứt có chiều dài hàng trăm mét, rộng 10 - 15 cm.
Đến ngày 2/8, vết nứt kéo dài đến bon Bu Prăng (nằm cạnh bon Bu Krắk). Hiện UBND huyện Tuy Đức đang triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân.
Cũng trong ngày 2/8, UBND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cho biết, lực lượng chức năng đã di dời hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Quảng Trực đến nơi an toàn.
Xuất hiện vết nứt lạ dài 1,5km sau tiếng nổ lớn từ lòng đất tại Đắk Nông. Ảnh: Hải Dương.
Trong khi đó, trên tuyến QL14, đoạn qua TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) cũng ghi nhận vết nứt dài kéo dài khoảng 20m. Ngay trong sáng 2/8, lực lượng chức năng đã di dời 16 hộ dân trên địa bàn P.Nghĩa Thành (TP Gia Nghĩa) đến nơi an toàn.
Cơ quan chức năng lập rào chắn, ngăn người dân qua lại khu vực nứt ở QL14. Ảnh: NH.
Ngày 2/8, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có chỉ đạo đến các sở ngành và UBND huyện Lâm Hà khẩn trương kiểm tra và xác định nguyên nhân sạt lở, sụt lún tại vị trí gần khu vực cụm công trình đầu mối thuộc dự án xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà).
Trao đổi với VietNamNet trưa 3/8, PGS Trần Tân Văn, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến các vết nứt là do mưa lớn kéo dài ngày xảy ra trên diện rộng.
“Hiện tượng nứt đất cả hai điểm đều do mưa lớn dài ngày khiến đất trở nên nặng, sức bền giảm, dẫn tới nguy cơ sạt lở. Vết nứt xuất hiện sẽ gây ra tiếng động, mà mọi người cho rằng đó là tiếng nổ”, PGS Trần Tân Văn cho biết.
Theo PGS Trần Tân Văn, trong những ngày tới, nếu vết nứt phát triển từ 200m đến hàng cây số, có nghĩa khối trượt đang dịch chuyển và nguy cơ sạt lở lớn có thể xảy ra.
Vết nứt thường bắt đầu từ trên đỉnh của khối trượt. Tức là, trên địa hình sườn dốc (thường dốc dần về phía hồ nước), vết nứt sẽ ở phía trên đỉnh khối trượt và vuông góc với khối trượt sắp xảy ra. Theo diễn biến này, nếu vết nứt rộng thêm thì khả năng trượt sẽ càng cao.
Ở những nơi có địa hình dốc và có tác động của con người như xây nhà cửa, làm mất chân sườn dốc sẽ có nguy cơ xảy ra trượt khi mưa lớn kéo dài ngày làm đất bão hòa cao.
“Việc xây dựng nhà cửa, làm đường, giải phóng mặt đường… ảnh hưởng rất lớn, làm mất chân sườn dốc, nên xảy ra tình trạng sạt trượt đất”, ông Văn nhận định.
Theo ông Văn, tại Việt Nam ở những tỉnh miền núi rất thường xuyên xảy ra sạt trượt đất, do người dân tự ý san gạt đất đồi núi để xây nhà.
“Cơ quan chức năng cần phải quyết liệt hơn nữa trong vấn đề khai thác trái phép đất đồi”, ông Văn nhấn mạnh và cho hay: Trước đây có đề án chính phủ tiến hành quan trắc toàn diện nhằm xây dựng bản đồ cảnh báo cho tỉnh miền núi, trong đó có Đà Lạt, Đăk Nông, tuy nhiên trong vòng 1-2 năm đề án tạm dừng.
"Nhìn chung có thể dự báo địa hình đồi núi mưa to lớn kéo dài ngày dễ xảy ra trượt lở. Về phương án lâu dài cần có xây dựng bản đồ dự báo cảnh báo sớm", ông Văn nói.
Ông Văn khuyến cáo, nếu trong thời gian tới, nếu tiếp tục mưa lớn, chính quyền cần di dời, tạm sơ tán người dân, sau đó cử chuyên gia đến hiện trường khảo sát, quan trắc diễn biến.
"Nếu vết nứt lớn và rộng dài ra, độ nguy hiểm càng cao, do đó cần căn cứ độ dài vết nứt để dự báo quy mô khối trượt, trên cơ sở đó thực hiện di dời phù hợp", ông Văn khuyến cáo.
Bình luận