Lợi thế nguồn nước thủy lợi hồ Dầu Tiếng đã giúp anh Phạm Văn Toại ở xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) thu lời hơn 2,5 tỷ đồng nhờ biết tận dụng nuôi ba ba và cá lóc bông. Tuy nhiên để có được thành công như hôm nay anh Toại cũng phải trải qua không ít khó khăn.
Theo báo Dân Việt, năm 1994, anh Toại đưa gia đình rời tỉnh Hậu Giang lên vùng đất mới bên bờ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) lập nghiệp.
Ở vùng đất mới, anh Toại gặp không ít lận đận. Ban đầu, anh và một số người khác làm nghề nuôi cá lóc và cá diêu hồng bằng lồng bè dưới kênh Tây để làm kế sinh nhai. Năm 2005, chính quyền địa phương và ngành chức năng không cho phép nuôi cá dưới kênh Tây nữa, vì những lồng bè nuôi cá gây cản trở dòng chảy kênh chính.
Anh Toại chuyển lồng bè vào trong hồ Dầu Tiếng. Cũng được một thời gian, lồng bè này có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, chính quyền địa phương và ngành chức năng lại thông báo giải tán nghề nuôi cá trong hồ. Gia đình anh Toại đành chia tay với nghề nuôi cá, lên đất liền sang nhượng lại một phần đất gần bờ hồ, cất trang trại, chuyển sang nghề nuôi bò và dê. “Lúc đó, tôi mua 50 con bò giống về nuôi, nhưng không biết cách chăm sóc nên bò không đẻ và bệnh bị lở mồm long móng, lỗ nặng”, anh Toại nhớ lại.
Năm 2007, anh tìm sang Ðồng Nai học nghề nuôi ba ba, rồi mua 2.000 con giống về nuôi. Thời điểm đó, trong hồ Dầu Tiếng còn nhiều người làm nghề đánh bắt cá con, bán ra thị trường với giá rẻ. Anh Toại tận dụng nguồn thức ăn dồi dào này làm thức ăn cho ba ba. Nhờ giá thành chăn nuôi thấp, nên ngay sau đợt thu hoạch đầu tiên, anh có lãi một khoản tiền tương đối khá.
Anh Toại thành công với mô hình nuôi ba ba. Ảnh: Dân Việt.
Theo anh Toại, kỹ thuật chăm sóc ba ba không quá khó. Kết hợp nguồn nước gần hồ Dầu Tiềng rất dồi dào, việc nuôi trồng thủy sản của anh bắt đầu thuận lợi.
Từ 5.000m2 đất đào ao ban đầu, anh tích cóp lợi nhuận, tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích lên 1,5ha. Đến cuối năm 2023, anh đã có 50 hồ nuôi ba ba với số lượng hơn 100.000 con (cả giống và thịt). Trừ các khoảng chi phí, bình quân mỗi năm anh lãi hơn 1,5 tỷ đồng từ các ao nuôi ba ba.
Tuy nhiên, mỗi vụ nuôi ba ba mất 15 tháng mới thu hoạch. Thấy thời gian nuôi loài thuỷ sản này hơi lâu, anh đầu tư mua đất, xây ao nuôi cả cá lóc bông.
Cá lóc bông có thời gian nuôi ngắn hơn, khoảng 9 tháng có thể thu hoạch. Còn nếu nuôi đủ đến 15 tháng, mỗi con cá lóc bông có thể nặng 4-5kg.
Khác với cá lóc đen thông thường, cá lóc bông chỉ ăn cá vụn, thức ăn tự nhiên chứ không ăn thức ăn công nghiệp. Cá lóc bông của anh Toại được nuôi bằng cá nục, vốn là loại cá biển được đặt mua từ các cảng cá đưa về.
Vì thế giá thành nuôi cá lóc bông khoảng 60.000 đồng/kg, cao hơn so với cá lóc đen, chỉ khoảng 40.000 đồng/kg. Cũng vì ăn thức ăn tự nhiên, nên thịt cá lóc bông rất ngon.
Mỗi năm, anh Toại cung cấp ra thị trường khoảng 400 tấn cá lóc bông. Ảnh: Nguyên Vỹ/báo Dân Việt.
Mỗi năm, anh cung cấp khoảng 400 tấn cá lóc. Cá lóc bông của anh không chỉ bán khắp trong nước mà còn xuất qua Campuchia.
"Trên tổng diện tích hơn 3ha, nghề nuôi ba ba và cá lóc bông đem về tiền lời trung bình hơn 2,5 tỷ đồng", anh Toại nói.
So với mô hình nuôi trồng thủy sản ở miền Tây, cách làm của anh có nhiều lợi thế. Thay vì nuôi thủy sản trong lồng bè, đặt trên sông hồ, anh làm ao nuôi trên đất liền để tiện bề xử lý, không sợ ảnh hưởng thời tiết. Nhưng bí quyết để thành công của anh là luôn nỗ lực học hỏi, không ngại ngần bước qua thất bại.
Anh Phạm Văn Toại luôn cầu thị, phát huy tính sáng tạo và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Nhờ vậy, nghề nuôi ba ba và cá lóc bông của gia đình anh luôn đạt hiệu quả cao.
Theo báo Tây Ninh, anh Toại đã sử dụng thành thạo loại kính hiển vi rất hiện đại để phân tích mẫu nước trong các ao nuôi ba ba và cá lóc bông. “Tôi chỉ học văn hoá đến lớp 7, lớp 8 trường làng, nên phải dành nhiều thời gian tìm tòi, học hỏi cách sử dụng kính hiển vi này từ mạng internet. Hằng ngày, tôi thường xuyên lấy mẫu nước của các ao cá, ao ba ba đem lên soi xét. Nếu thấy trong nước có vi khuẩn lạ là phải lập tức gửi mẫu đến những kỹ thuật viên của công ty cung cấp cá giống, ba ba giống để nhờ tư vấn xử lý nước trong ao. Nếu nước ô nhiễm hoặc mang mầm bệnh mà mình không biết, để lâu ngày sẽ dẫn đến gây bệnh cho các ao”, anh Toại giải thích.
Ngoài việc dùng kính hiển vi để theo dõi mẫu nước trong các ao, người nông dân này còn tự mày mò chế tạo ra máy phân lường thức ăn cho ba ba được điều khiển bằng điện thoại thông minh. Anh giải thích: “Ngoài thức ăn cho ba ba là các loại cá con, người nuôi ba ba còn dùng cám thức ăn công nghiệp dạng viên. Mỗi khi cho ba ba ăn, nhân công phải vác bao cám đổ trên sân xi măng xây có độ dốc xuống trong ao.
Tuy nhiên, không phải lúc nào ba ba cũng ăn hết cám ngay khi vừa đổ xuống và nếu gặp mưa, cám sẽ bị tan rã, khiến ba ba không ăn được”. Ðể khắc phục tình trạng này và tiết kiệm chi phí thuê công nhân, anh Toại đã dành thời gian nghiên cứu một loại máy vừa chứa cám thức ăn để không bị tác động bởi thời tiết, vừa đỡ phải thuê mướn người làm. Sau hai năm mày mò, cuối cùng anh đã chế tạo thành công loại máy phân lường thức ăn này.
Mỗi máy gồm các bộ phận như thùng chứa cám thức ăn làm bằng tôn, có nắp đậy kín; mô tơ điện, loại công suất nhỏ; van đóng - mở, máng dẫn cám thức ăn; bộ phận nhận tín hiệu từ sóng wifi, 3G… Các máy này được đặt trên một khung sắt, để trong bờ ao nuôi ba ba.
Anh Toại lấy chiếc điện thoại màn hình cảm ứng trong túi ra, mở điện thoại lên và bấm lệnh điều khiển. Lúc này các máy phân lường thức ăn đồng loạt khởi động bằng mô tơ điện và xả cám thức ăn xuống các bãi chứa trong ao. Nghe có thức ăn, các chú ba ba ngoi lên mặt nước, leo lên bãi ăn cám. Sau một lúc, máy xả thức ăn vừa đủ cho ba ba ăn một đợt, anh Toại bấm lệnh dừng, lập tức tất cả các máy đều dừng hoạt động.
“Bây giờ, tôi không còn vất vả và lãng phí thức ăn cho ba ba như trước đây nữa. Ngồi trong nhà, trong quán cà phê hay đi bất cứ nơi đâu có sóng wifi, 3G, tôi đều sử dụng điện thoại để điều khiển các robot này cho ba ba ăn”.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, nông dân Phạm Văn Toại còn luôn quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng cho bà con xung quanh. Hiện nay, anh đang tạo công ăn việc làm cho 16 lao động địa phương, lương trung bình 9 triệu đồng/người/tháng.
Ở địa phương, anh Toại thường xuyên giúp đỡ cho cho các hộ dân khó khăn về kinh nghiệm, giống, nguồn vốn, thức ăn để giúp họ nuôi trồng thủy sản, ổn định cuộc sống.
Với những kết quả đạt được thời gian qua, năm 2020, nông dân Phạm Văn Toại được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen với thành tích sản xuất giỏi. Năm 2023, anh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân vinh danh là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc.
Minh Hoa (t/h)